Case study nghĩa là nghiên cứu tình huống
Case study là gì? Đấy là phương pháp nghiên cứu tình huống – một phương pháp giảng dạy đang được sử dụng rất phổ biến trong các trường kinh doanh trên toàn thế giới – đã được sử dụng làm phương pháp giảng dạy trong rất nhiều môn học (quản trị tiếp thị, tiếp thị công nghiệp, quản trị chiến lược kinh doanh, kinh tế học kinh doanh, quản trị học) và bậc học (đại học, đại học bằng hai, cao học, các chương trình huấn luyện ngắn hạn dành cho các doanh nghiệp). Khảo sát ở giảng viên cũng như ở phía học viên cho thấy phương pháp này có những ưu điểm nổi bật so với phương pháp truyền thống.
Các ưu điểm nổi bật của case study
Thứ nhất, nâng cao tính thực tiễn của môn học.
Sau khi đã được cung cấp các kiến thức lý thuyết, một bài tập tình huống sẽ giúp học viên có cái nhìn sâu hơn và thực tiễn hơn về vấn đề lý thuyết đã được học. Thông qua việc xử lý tình huống, học viên sẽ có điều kiện để vận dụng linh hoạt các kiến thức lý thuyết.
Thứ hai, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và sự hứng thú của học viên trong quá trình học.
Khác với việc tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, khi được giao các bài tập tình huống, các nhóm học viên phải chủ động tìm kiếm và phân tích các thông tin để đi đến giải pháp cho tình huống. Để đáp ứng được yêu cầu này, học viên phải chủ động tư duy, thảo luận – tranh luận trong nhóm hay với giảng viên, tìm hiểu thêm về lý thuyết, tài liệu tham khảo để đạt đến giải pháp.
Chính trong quá trình tư duy, tranh luận, bảo vệ và sửa đổi các đề xuất – giải pháp của mình, học viên (hay nhóm học viên) đã tham gia vào quá trình nhận thức. Sự tham gia tích cực đó đã góp phần tạo ra sự hứng thú và say mê học tập, sáng tạo của học viên. Đây chính là lúc quá trình dạy và học tập trung vào học phương pháp học, phương pháp tiếp cận, phân tích và tìm giải pháp chứ không chỉ giới hạn ở việc học các nội dung cụ thể.
Thứ ba, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày, bảo vệ và phản biện ý kiến trước đám đông.
Để giải quyết tình huống, học viên được yêu cầu làm việc trong nhóm từ 4- 6 thành viên. Cả nhóm cùng phân tích và thảo luận để đi đến giải pháp, sau đó trình bày giải pháp của mình cho cả lớp.
Lúc này học viên tiếp thu được kinh nghiệm làm việc theo nhóm, chia sẻ kiến thức, thông tin để cùng đạt đến mục tiêu chung. Các kỹ năng như trình bày, bảo vệ và phản biện ý kiến cũng được hình thành trong bối cảnh này. Học viên cũng học được cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác để làm cho vốn kiến thức của mình phong phú hơn. Đây chính là những kỹ năng rất cần thiết đối với các nhà quản lý hiện đại.
Thứ tư, giảng viên – trong vai trò của người dẫn dắt – cũng sẽ tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm và những cách nhìn / giải pháp mới từ phía học viên để làm phong phú bài giảng và điều chỉnh nội dung tình huống nghiên cứu.
Đây cũng là một kênh quan trọng để giảng viên thu thập kinh nghiệm từ các học viên, đặc biệt là những học viên đã có quá trình công tác.
Thứ năm, các tình huống tốt có tính chất liên kết lý thuyết rất cao.
Để giải quyết tốt một tình huống, người học có thể phải vận dụng và điều chỉnh nhiều tập lý thuyết khác nhau. Đây chính là lúc các lý thuyết rời rạc của một môn học được nối lại thành bức tranh tổng thể. Ở mức độ ứng dụng cao hơn, người học không chỉ vận dụng kiến thức của một môn học mà trong nhiều trường hợp phải vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau.
Điều này rất quan trọng, vì trên thực tế sinh viên được trang bị rất nhiều kiến thức từ nhiều môn học khác nhau nhưng lại chưa được cung cấp sự liên kết – “các dây chằng” các kiến thức độc lập lại với nhau. Khi ra thực tiễn, hiếm khi nào nhà quản lý gặp một vấn đề chỉ là tiếp thị hay sản xuất, tài chính mà thông thường họ phải vận dụng tất cả kiến thức liên ngành để giải quyết.
Cuối cùng, trên phương diện nghiên cứu khoa học đặc biệt trong xã hội học, nghiên cứu tình huống là một phương pháp quan trọng khi (1) vấn đề cần nghiên cứu là mới chưa có các lý thuyết và nghiên cứu trước đó – lúc này nghiên cứu tình huống sẽ cho cái nhìn rất sâu về vấn đề nghiên cứu để xây dựng các lý thuyết nền, cơ sở đầu tiên cho các nghiên cứu lượng hóa tiếp theo và (2) khi vấn đề nghiên cứu là một quá trình kéo dài chẳng hạn quá trình xây dựng, lựa chọn và thực thi các loại chiến lược cạnh tranh của một doanh nghiệp hay một ngành. Tuy nhiên cũng cần hết sức thận trọng khi sử dụng các kết quả từ nghiên cứu tình huống để khái quát hóa cho các trường hợp tương tự.